Góc Nhìn Từ Việt Nam: COVID – 19 Nhắc nhở Thế giới rằng Trump chỉ là “Hoàng đế Cởi truồng”

This is a slightly updated Vietnamese version of View From Vietnam: COVID-19 Reminds the World That Trump Has No Clothes (17.4.20).

Emperor Trump has no clothes (David Horsey/LA Times)
Nhân vật chính trong câu chuyện cổ tích nổi tiếng của nhà văn người Đan Mạch thế kỷ 19, Hans Christian Andersen, có rất nhiều điểm tương đồng với Donald Trump – một đứa con nít sống trong thân xác to cộ của một người lớn. Trump sống trong một thế giới đầy rẫy những ảo tưởng ích kỷ, dối trá, và tự coi mình là nhân vật chính. Ông ta lúc nào cũng được vây quanh bởi những kẻ xu nịnh, những kẻ luôn đặt sự thăng tiến của bản thân lên trước sự thật và công lý. Hậu quả đến từ lối tư duy này có thể được giới hạn khi ông ta chỉ điều hành một công ty gia đình. Nhưng giờ đây, thiệt hại đã được nhân lên gấp bội khi “ông vua cởi truồng” Donald Trump nắm vai trò lèo lái nước Mỹ giữa cơn cuồng phong của một đại dịch toàn cầu. 
Trong cuốn Người Tên Lửa: Điên Loạn Hạt Nhân và Tư Duy của Donald Trump, được xuất bản vào năm 2018, John Gartner – Tiến sĩ, nhà tâm lý học với hơn ba mươi năm kinh nghiệm giảng dạy tại Đại học Y dược John Hopkins, cho rằng, bên trong Donald Trump tồn tại căn bệnh ái kỷ ác tính – một tổ hợp của chứng ái kỷ, hoang tưởng, tư tưởng chống đối xã hội, và chứng nghiện bạo hành. Khi kết hợp lại, những căn bệnh tâm lý này sẽ tạo ra “Tinh hoa của Quỷ dữ”, một thứ mà theo (Erich) Fromm, là triệu chứng tâm thần tiệm cận nhất với một con quỷ đội lốt người. 
Gartner đã nêu ra một số dẫn chứng cho căn bệnh ái kỷ ác tính này, cụ thể là 1) Trump “hiểu biết nhiều hơn tất cả mọi người” và “không cảm thông với bất kỳ ai ngoại trừ chính bản thân mình.” 2) chứng hoang tưởng (“việc ông ta gọi báo chí, các cộng đồng thiểu số, người nhập cư, và bất kỳ ai không đồng tình với ông ta là quỷ dữ chính là một bằng chứng của sự hoang tưởng”); 3) chứng bài xích xã hội (“một chứng bệnh khiến một người liên tục nói dối, vi phạm luân thường đạo lý và luật pháp, bòn rút người khác và không cảm thấy ăn năn”); và (4) chứng nghiện bạo hành (“ông ta hãm hại và lăng mạ người khác với một sự hứng thú hiển hiện … Trump đích thị là một kẻ bắt nạt qua mạng tai tiếng nhất lịch sử.”)
Một Chiến Dịch Bóp Nghẹt Sự Thật Toàn Phần
Với một kẻ mắc chứng ái kỷ ác tính, Trump sẽ không từ một thủ đoạn nào để đạt được kết quả mong muốn. Và việc nói dối có chăng cũng chỉ là một trong những thủ đoạn đó. Trump là một kẻ dối trá bệnh hoạn thuộc một đẳng cấp riêng, chưa ai có thể sánh bằng. Theo mục kiểm tra độ Chính xác Thông tin của Thời Báo Washington, ông ta đã có đến hơn 16,000 lần đưa ra thông tin sai lệch hoặc dễ gây hiểu nhầm trong ba năm đầu tiên của nhiệm kỳ ở Nhà Trắng. Những lời dối trá của Trump về COVID-19 bao gồm “tất cả đều nằm trong sự kiểm soát,” “tất cả mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp,” “nó sẽ biến mất như một phép màu,” “chúng ta gần như đã dập được nó hoàn toàn ngay tại Trung Quốc,” v.v… Những lời dối trá này lặp đi lặp lại nhiều lần đến mức phát chán.
Trump vẫn tiếp tục nói dối, mặc dù đã được khuyến cáo nhiều lần bởi các cơ quan tình báo Hoa Kỳ trong tháng Một và tháng Hai về sự nghiêm trọng của dịch bệnh tại Trung Quốc và khả năng bùng phát thành đại dịch toàn cầu. Một bài viết trong tờ Chính Sách Đối Ngoại ngày 25 tháng 3 đã lấy tựa đề: Virus Corona – Thất bại tồi tệ nhất trong lịch sử Tình báo Hoa Kỳ. Tờ báo nói rằng thất bại này còn nghiêm trọng hơn sự cố Trân Châu Cảng và vụ khủng bố 9/11 – và tất cả là do chính sách lãnh đạo của Donald Trump. 
Trong một chuyến thăm hỏi Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh Atlanta, chứng ái kỷ của “thiên tài với phong độ cực ổn định” tự phong này cũng được bộc lộ rõ nét. Khi một phóng viên hỏi Trump, làm sao các bệnh viện tại Mỹ có thể chuẩn bị sẵn sàng cho một trận bùng phát dịch nếu họ không ước tính được sẽ có bao nhiêu bệnh nhân, Trump đã đưa ra một đáp án chẳng hề liên quan đến câu hỏi, mà chỉ nhằm mục đích tán dương bản thân: “Bạn biết không, chú của tôi là một người tuyệt vời. Ông ấy dạy ở MIT trong một thời gian dài kỷ lục. Ông ấy là một siêu thiên tài – Tiến sĩ John Trump. Tôi rất thích các công trình của ông ấy, và tôi thật sự hiểu chúng. Mọi người đều ngạc nhiên vì tôi có thể hiểu chúng. Tất cả các Tiến sĩ đều nói: ‘Tại sao ngài lại biết được về điều này?’ Có lẽ do tôi có khả năng thiên bẩm.”
Những kẻ bị ái kỷ ác tính cũng không có khả năng nhận trách nhiệm cho sai lầm của mình, đơn giản chỉ vì họ nghĩ: họ không bao giờ sai. Trump đã nói rằng ông ta sẽ không chịu bất cứ trách nhiệm nào cho sự thiếu chuẩn bị của chính quyền mà ông ta quản lý (mặc dù chính Trump đã bãi bỏ Văn phòng Chống Dịch tại Nhà Trắng được sáng lập bởi Cựu Tổng thống Obama.) Trump chỉ đơn giản tìm ai đó khác để đổ lỗi, và ông ta đã lấy luôn Trung Quốc, “tin nhảm”, những người da màu, và tất cả những ai phản đối ông ta. Những kẻ ái kỷ không ngại đổ thêm dầu dầu vào lửa của những xung đột và thù hằn sắc tộc vốn đã từ lâu tồn tại, miễn sao chúng đạt được mục tiêu là rũ bỏ trách nhiệm và tìm được vật thế thân phù hợp. Do vậy, Virus Corona bỗng chốc trở thành thứ “Virus Ngoại Quốc” và “Virus Trung Quốc”.
Những lời dối trá và ngụy biện của Trump giống như một cơn bão tuyết đổ ập lên nước Mỹ, khiến quốc gia này trở nên bất ổn, và nhân dân Mỹ cũng dễ bị ảnh hưởng hơn bởi Virus Corona. Việc Trump không hành động, liên tục mắc sai lầm, và chơi những trò chơi chính trị bất chấp hậu quả là minh chứng rõ nét cho một nhà lãnh đạo thoái vị. Điều này đã gây tổn thất lớn cho những người mà đáng ra ông ta phải lãnh đạo. Đúng là Trump đã biến nước Mỹ thành số Một, nhưng là số Một về số lượng ca mắc và tử vong do Covid 19 – hai lĩnh vực mà chẳng ai muốn làm số Một. 
Giống như bất kỳ khủng hoảng nào, và đặc biệt là những cuộc khủng hoảng liên quan đến bệnh tật và chết chóc, đại dịch Corona là thời cơ cho những kẻ lang băm và lừa đảo đục nước béo cò. Chúng bò ra từ mọi ngóc ngách xã hội, trục lợi dễ dàng từ hàng triệu con người tuyệt vọng đang mong ước được sớm thoát khỏi sự sợ hãi và bấp bênh. Như thể làm tăng thêm bầu không khí siêu thực của đại dịch, đã có tin đồn về một vài vị mục sư Công giáo –  những người tự nhận là có mối quan hệ mật thiết với Donald Trump và có thể chữa khỏi Virus Corona qua việc cầu nguyện. Một người đàn ông thậm chí đã nói trong chương trình truyền hình thực tế của mình rằng ông ta có thể chữa lành cho những khán giả đang xem nếu họ chạm vào màn hình TV: “Hãy đặt bàn tay lên màn hình TV đi nào. Hallelujah. Cảm ơn Người, Chúa Jesus. Chúng con đã nhận được sự chữa lành từ Người.”
Thật đáng buồn làm sao khi nước Mỹ – một quốc gia đã đưa được con người lên mặt trăng, phát minh ra máy tính cá nhân, đem được Internet đến cho cả thế giới, và đạt được rất nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật khác – lại có những người dân tin rằng có thể chữa khỏi một chủng virus có tính lây lan vô cùng cao bằng việc chạm vào màn hình vô tuyến. Cũng giống như Trump, những “sứ giả Thượng đế tự phong” này đã đem rao bán những lời dối trá và hy vọng hão huyền. Đó là căn bệnh mà nước Mỹ đang gặp phải trong năm 2020, một căn bệnh đã bị trầm trọng hóa bởi COVID – 19, và sẽ chưa giảm thuyên giảm chừng nào cả Trump lẫn virus còn tồn tại. 
Nhìn xa hơn một chút vào kỳ bầu cử tháng 11, thành công hay thất bại của Trump đều phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế Hoa Kỳ. Đó là lý do tại sao ông ta lại cứ nhắc đi nhắc lại: “chúng ta phải đi làm trở lại, mở cửa quốc gia trở lại”. Những lời tuyên bố của Trump như “chúng ta có hệ thống thử nghiệm tốt nhất thế giới” phản ánh sự thiếu hiểu biết đáng kinh ngạc về sự thật rằng, các quốc gia phát triển khác như Úc, Canada, Đan Mạch, Đức, Ai – len, Israel, Na Uy, Nga, Singapore và Hàn Quốc đã thử nghiệm nhiều lần hơn gấp bội so với Mỹ, nhưng vẫn phải chịu sự thiếu hụt về số lượng công cụ xét nghiệm, đối mặt với nhiều vấn đề tồn đọng, và vẫn chưa thể đưa ra kết quả cuối cùng. Khi một phóng viên hỏi Trump sẽ dùng hệ thống số liệu gì để quyết định khi nào nước Mỹ có thể nới lỏng tình trạng giãn cách xã hội, ông ta chỉ vào đầu mình và nói “các số liệu ở ngay đây này”.
Trong khi tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 có vẻ như đang được khống chế tốt nhờ vào tầm nhìn lãnh đạo và sự hợp tác chung của toàn thể nhân dân, thì tại Mỹ, tình hình càng lúc càng hỗn loạn. Tỷ lệ thất nghiệp và nợ cá nhân tăng vọt trong một xã hội vốn đang chìm trong nợ tiêu dùng, đã phản ánh rõ sự thống khổ của người dân, sự hoang tàn chết chóc, và việc nền kinh tế Mỹ đã bị giáng một đòn chí mạng. 
Việt Nam hãnh diện là một Hình mẫu trong Quản lý Khủng hoảng Sức khỏe Công; Hoa Kỳ lại là một Câu chuyện mang tính Cảnh báo
Khác với một quốc gia với cái nhìn bảo thủ như Hoa Kỳ, nơi mà quá nhiều người, bao gồm cả những lãnh đạo chính trị, có một đức tin mang đầy tính “quốc quyền chủ nghĩa”, rằng Mỹ là “quốc gia vĩ đại nhất thế giới”, bất chấp biết bao bằng chứng thể hiện sự đối lập, thì Việt Nam, với cái nhìn cấp tiến, đã chứng minh hết lần này đến lần khác rằng họ sẵn sàng học hỏi từ thất bại lẫn thành công của các quốc gia khác. Mỹ là một ví dụ mang tính cảnh tỉnh, và Việt Nam là một hình mẫu điển hình khi chúng ta so sánh hai quốc gia này về truyền thống lâu đời trong việc học hỏi từ các quốc gia khác và đưa ra những chiến lược phù hợp với văn hóa bản địa. 
Theo một bài phân tích gần đây về cách mà Việt Nam học hỏi từ sai lầm trong việc đương đầu với Virus Corona của Trung Quốc, tờ Nhà Ngoại Giao đã chỉ ra rằng, “Từ trường hợp của Việt Nam, chúng ta có thể đưa ra kết luận: để chống dịch hiệu quả, chính quyền các nước đang phát triển cần phải minh bạch và cởi mở để lấy được lòng tin của nhân dân. Chính phủ cần người dân tin vào những thông điệp của mình trong việc phòng chống dịch, để có thể thuyết phục được họ chấp hành giới hạn quyền riêng tư lợi ích chung, … Có vẻ như, yếu tố quan trọng nhất chính là sự cởi mở và cấp bách của chính phủ trong việc đặt sức khỏe và tính mạng nhân dân lên trên tất cả lợi ích chính trị.”
Những con người đang sinh sống tại Việt Nam, dù là người Việt hay người ngoại quốc, cũng đều có thể cảm thấy biết ơn vì họ đang sinh sống tại một quốc gia, nơi mà bộ máy lãnh đạo đã đưa ra những hành động thể hiện rõ mối quan tâm tới sức khỏe và an nguy của con người. Quốc gia này đã đưa ra những quyết định nhanh gọn dựa trên tinh thần tập thể và đoàn kết trong việc thực hiện chúng. Điều đó là hoàn toàn trái ngược với những động thái của Donald Trump và chính quyền của ông ta. 
Có thể nói, Trump là “nhà lãnh đạo” của những con người ủng hộ ông ta, chứ không phải là tổng thống của toàn bộ 330 triệu công dân nước mình. Ông ta là một con người ti tiện, đầy thù hận, tự cho mình là nhất. Ông ta là một cái thùng rỗng kêu to, không có chút sự cảm thông nào dành cho những ai đang phải gồng mình chịu đựng – những người không đồng tính với lối tư duy của ông ta. Trong một chương trình truyền hình gần đây, sự rối loạn nhân cách thần thánh của Trump một lần nữa lại bộc lộ khi ông ta tuyên bố rằng: “Tổng Thống Hoa Kỳ là người ra mọi quyết định” – không mảy may đoái hoài đến luật lệ thi hành pháp của mảnh đất mà ông ta đã thề rằng sẽ “bảo tồn, bảo vệ và bảo hộ”.
Trump hầu như không trấn an ai bao giờ, trừ phi được mớm lời trước. Ông ta thường xuyên buông ra những lời ngợi khen cho chính bản thân mình, dù rằng ông ta không xứng đáng. Tệ hơn nữa, Trump thường xuyên lan truyền những thông tin trái chiều và sai lệch. Tệ hơn cả, trong thời điểm mà người dân hết sức mong đợi một chính phủ có thể cung cấp cho họ những thông tin xác thực và sự cứu trợ cần thiết, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, Trump vẫn không thể từ bỏ những thói hư tật xấu của mình. 
Cũng như bao kẻ ái kỷ ác tính khác, Trump là một kẻ chia rẽ, không phải người có thể đoàn kết một quốc gia. Ông ta là một kẻ chuộc lợi từ xung đột và căng thẳng. Tính cách đó không thể đóng góp được gì cho tinh thần gắn kết và khả năng quản trị trong bất kỳ tình huống nào, chứ đừng nói tới trong bối cảnh của một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Hoặc là chung đường với ông ta – hoặc là cuốn xéo đi nơi khác – Trump có một cách tiếp cận mang tính phá hoại, có thể dẫn đến một thế giới vụn vỡ nơi quan hệ giữa con người với nhau bị hủy hoại. 
Việt Nam làm nên Lịch sử, trong khi COVID – 19 dạy cho Hoa Kỳ bài học đắt giá
Gần như mỗi ngày, Virus Corona phơi bày ra những thiếu sót trầm trọng của Donald Trump và quốc gia mà ông ta đã được bầu chọn để dẫn dắt. Một kẻ thù tí hon với hình hài tựa như chiếc vương miện – một kẻ thù chỉ có thể được thấy thông qua kính hiển vi – đã không hề bị cản bước bởi những chối bỏ, lừa lọc, thói ngụy biện hùng hổ, hay sự lạc quan không đúng chỗ. Nó càng không thể bị đánh bại bởi súng đạn, bom mìn, máy bay phản lực, máy bay không người lái hay hàng không mẫu hạm, những thứ có thể chi trả được bằng hàng ngàn tỷ đô la.
COVID – 19 chỉ có một mục tiêu duy nhất: tìm cách trú ngụ trong cơ thể người, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, và tùy từng hoàn cảnh, nó có thể giết chết vật chủ. Loại virus này sinh sôi trong một chính phủ đầy tự mãn, và đặc biệt phát triển nếu chính phủ đó đi kèm với sự thiếu hiểu biết. Nó bùng phát mạnh mẽ trong những cộng đồng đã bỏ lỡ mất cơ hội ngăn chặn, và sau đó, cộng đồng ấy chỉ có thể dùng mọi nỗ lực cuối cùng để giảm nhẹ hậu quả từ sự lây lan của nó – điển hình như Hoa Kỳ. Mỹ đã nỗ lực quá ít, và đã can thiệp hết sức muộn màng, và phải trả giá bằng những con số thiệt hại không đong đếm nổi cả về tài chính và nhân mạng.
Khi so sánh 48 ca bệnh hiện tại và 0 ca tử vong tại Việt Nam với 814,542 ca bệnh hiện tại và gần 33,000 ca tử vong tại Mỹ, tính đến ngày 28 tháng 4, và khi so sánh dân số 97 triệu so với 330 triệu tại Mỹ, Việt Nam đã đưa ra được vô số bài học cho các quốc gia khác, bắt đầu bằng những việc nên làm và không nên làm khi đương đầu với đại dịch toàn cầu. Vũ Đức Đam, Phó Thủ Tướng Việt Nam đã tuyên bố vào tháng trước, rằng số ca nhiễm sẽ không lên tới 1,000 người nếu các biện pháp phòng ngừa được nghiêm chỉnh chấp hành. Dẫu rằng không ai có thể dự đoán trước tương lai, nhưng những lời của ông rất có thể sẽ trở thành hiện thực, nếu chúng ta lấy dẫn chứng từ quá khứ. Đây đúng là một thành tựu lịch sử đáng kinh ngạc, khiến Việt Nam xứng đáng trở thành một hình mẫu đáng học tập cho nhân dân toàn cầu. 
Thêm nhiều bài báo bởi: MARK ASHWILL   Mark A. Ashwill là một nhà giáo dục quốc tế đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 2005. Ông có một trang blog tại Một Nhà Giáo Dục Quốc Tế Tại Việt Nam

Biên dịch: Cát Khang Bùi & Huyền Linh Trương

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s