Lời nói cần đi đôi với việc làm!

UWN masthead

NOTE:  This is the Vietnamese version of Walking the walk – Ethical agency-based recruitment, an article of mine that appeared in University World News on 12.12.14.

Ở Việt Nam, việc gian lận ngày phổ biến và công việc làm ăn có đạo đức ngày một ít đi, ngành giáo dục cũng không tránh khỏi những tệ nạn đó. Một điều đáng buồn là rất nhiều công ty làm trong lĩnh vực giáo dục lại chính là những công ty không có đủ cả đức lẫn tài, chất lượng và đạo đức kinh doanh đều không đạt tiêu chuẩn.

Chúng ta hãy cùng nhìn vào thực tế là – bất cứ ai cũng có thể tạo ra tài khoản trên Google và Facebook, chạy các thông tin quảng cáo để tìm kiếm khách hàng cũng như đối tác. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ trình độ, kinh nghiệm và tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh để điều hành các công ty đó đi đúng hướng và thành công với tầm nhìn dài hạn.

Cũng như các nước Châu Á khác, phụ huynh và học sinh Việt Nam thường lựa chọn làm việc với các công ty, đại diện giáo dục thay vì đăng ký trực tiếp với các trường ở nước ngoài, theo như đánh giá của EducationUSA.

Thách thức cho những phụ huynh và học sinh này là làm sao tìm được một đại diện tốt, có thể cung cấp chất lượng dịch vụ cao, đáng tin cậy với chi phí hợp lý, có thể mang lại lợi ích tối đa cho phụ huynh và học sinh.

Bằng bất cứ giá nào?

Trong nền kinh tế thị trường ngày một cạnh tranh, hiện nay có cả nghìn đại diện giáo dục tại Việt Nam – nhiều công ty luôn nỗ lực chỉ để giữ vững được lợi thế cạnh tranh của công ty mình, bất cứ lợi thế cạnh tranh nào, bằng bất cứ giá nào.

Điều này xuất phát từ việc họ sẵn sàng lừa gạt khách hàng, giúp khách hàng tạo hồ sơ giả, biến khách hàng trở thành tòng phạm bằng cách khuyến khích, dụ dỗ khách hàng sử dụng những hồ sơ giả mạo như xác nhận ngân hàng và khai man bảng điểm cho những học sinh yếu kém để dễ xin visa, và thu mức phí dịch vụ cao hơn. Họ cũng sẵn sàng sao chép websites, mã khóa của các công ty khác.

Tại Việt Nam, việc nhái theo toàn bộ hình thức kinh doanh của công ty khác không bị lên án và coi là điều đáng xấu hổ.

Tại sao lại phải tạo ra những cái mới khi ta có thể làm nhái, copy?

Suy nghĩ phổ biến hiện nay là tại sao ta phải đầu tư nhiều thời gian, tiền của, công sức vào những cái mới khi ta có thể làm nhái theo những mô hình sẵn có. Dĩ nhiên, việc bắt chước và mang những cái bắt chước đó vào thực hiện lại là hai chuyện hoàn toàn khác, cũng như nói chưa chắc đã đi đôi với làm.

Điều này làm tôi nhớ đến một câu nói nổi tiếng của Ray Kroc – người mở đường cho thương hiệu MacDonald “Tôi luôn tin rằng đối thủ chỉ có thể ăn cắp ý tưởng và bắt chước phong cách của tôi. Nhưng họ sẽ không thể biết tôi đang nghĩ gì, và tôi sẽ luôn để họ làm người đi sau”. (Kiên trì, nhẫn nại: điều làm nên thương hiệu Mc Donald’s).

Vào tháng 2 năm 2014, bài báo có tên “Tại sao việc bắt chước lại đem lại hiệu quả cao nhất cho công ty bạn?”, của Brian Wong, CEO và người đồng sáng lập ra Kiip, một mạng phần thưởng di động đặt trụ sở tại San Francisco, tạo nên cái nhìn tích cực cho xu hướng này – không chỉ ở Việt Nam – bằng việc ghi nhận “hình thức kinh doanh từ việc cóp nhặt ý tưởng của bạn cho thấy bạn đã tạo ra các giải pháp và dịch vụ cần thiết cho nhu cầu của con người”.

Ông cũng nhắc nhở các các nhà sáng lập tiên phong về “tầm quan trọng của việc nhìn về phía trước, chứ không phải nhìn vào gương chiếu hậu. Những người đi cóp nhặt sẽ không thể nào nhận biết chính xác bên trong công ty của bạn có gì hoặc thực sự cửa hàng của bạn như thế nào. Cuối cùng thì bạn cũng sẽ đủ khả năng vượt lên trên, bỏ xa họ ở những khúc cua bởi vì họ chỉ có thể làm theo những gì bạn trưng bày ra ngoài mà thôi”.

Những công ty mới thành lập, đặc biệt những công ty cung cấp những giải pháp mới hữu hiệu cho thị trường hoặc cải thiện những hình thức cũ không còn khả năng sử dụng luôn làm tôi hứng thú, tuy nhiên, tôi cũng rất quan tâm tới những công ty hoạt động theo mô hình truyền thống với nền tảng đạo đức kinh doanh tốt, không lừa gạt người khác.

Bởi lẽ , những hình thức kinh doanh với tôn chỉ đạo đức tốt sẽ tạo nên những mô hình kinh doanh tốt. Trong lĩnh vực giáo dục, có rất nhiều cơ hội để làm việc tốt và làm điều có ích, nhưng thực tế thì chỉ có một vài công ty quan tâm đến điều này, và phần lớn mọi người chỉ quan tâm đến cái lợi trước mắt, thu lợi nhuận bằng mọi giá.

Sự cóp nhặt có sáng tạo

Lời khuyên của tôi dành cho những người này là – dù có đi sao chép thì cũng nên có tính sáng tạo! Từ hình thức tới nội dung. Ví dụ trong ngành ẩm thực cũng thế, Việt Nam sẽ không thể phát triển được nếu tính sáng tạo không được phát huy.

Có thể, bạn không có đủ trình độ, kinh nghiệm hoặc mạng lưới thông tin để nổi trội hơn đối thủ cạnh tranh, điều đó có nghĩa là bạn sẽ bị thụt lùi hơn họ vài bước. Cũng có thể, cái mong muốn có được một giấy phép kinh doanh, một lễ khai trương hoành tráng ngày hôm nay sẽ trở nên lỗi thời, hoặc thậm chí trở thành một bài học cay đắng của ngày mai.

Gần đây tôi có diễn thuyết tại một buổi hội thảo thường niên được tổ chức bởi một học viện hàng đầu trong lĩnh vực tin học tại Việt Nam. Vì chủ đề được tôi đề cập đến là “Giao thoa văn hóa thúc đẩy sự sáng tạo”, tôi bắt đầu bài diễn văn bằng một vài nhận xét về tính sáng tạo, một chủ đề rất nóng tại Việt Nam.

Trong vài tuần trở lại đây, tôi thấy rất nhiều kênh thông tin đưa ra những nhận xét như “Việt Nam cần lắm những sáng tạo: Ý kiến của chuyên gia và “ để phát triển bền vững, Việt Nam cần thúc đẩy tính sáng tạo trong người dân”. Và trong khi có rất nhiều ví dụ về sự sáng tạo ở Việt Nam, cũng có rất nhiều những công ty, như tôi nói ở trên, vẫn mang nặng tư duy bắt chước và sao chép ý tưởng.

Chỉ có tính sáng tạo mới giúp được Việt Nam tiến lên, thoát khỏi danh sách nước có mức thu nhập trung bình. Trong 30 năm tới, mức lợi tức dân số của Việt Nam sẽ không còn nữa, và đồng hồ đã điểm rồi. Phải hành động ngay hôm nay.

Các văn phòng đại diện lừa gạt học sinh, phụ huynh và đối tác thế nào?

Sau đây là cách vài văn phòng đại diện lừa khách hàng và các tổ chức. Vì hành vi lừa đảo luôn là con dao hai lưỡi ảnh hưởng đến nhiều người. Nó có thể gây ra những hậu quả từ nghiêm trọng đến dở khóc dở cười; từ bất hợp pháp đến phi đạo đức nhưng vẫn được coi là hợp pháp.

Những thông tin đưa ra dưới đây được tổng hợp từ trải nghiệm của bản thân tôi và từ các nguồn báo chí, chỉ ra rõ ràng thực tế là các công ty làm việc trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam cần hoàn thiện nhiều hơn nữa.

Học sinh và phụ huynh

  • Những hình thức quảng cáo không chuẩn, đưa thông tin sai lệch về trường
  • Viết hộ học sinh các bài tiểu luận
  • Viết hộ thư giới thiệu
  • Tạo các tài khoản email, giả làm giáo viên rồi gửi các thư nhận xét, thư giới thiệu
  • Cung cấp hoặc khuyến khích sử dụng các tài liệu giả để xin visa (ví dụ, bảng điểm giả, giấy tờ ngân hàng giả) và tính phí dịch vụ cao lên
  • Giúp gia đình học sinh làm giả giấy tờ đăng ký kinh doanh để dễ chứng minh tài chính
  • Nhận tiền đặt cọc của khách hàng rồi bỏ trốn
  • Tính “phí nộp đơn” cao hơn so với mức quy định của nhà trường

Các tổ chức/ Trường ở nước ngoài

  • Không tìm được đúng trường phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của học sinh
  • Quảng cáo sai về trường
  • Không lấy được giấy phép chuẩn cho các sự kiện do công ty tổ chức, mang đến rất nhiều rủi ro cho người tham gia (ví dụ như công an có thể yêu cầu đóng cửa sự kiện và tịch thu tất cả các hộ chiếu của người nước ngoài)
  • Tăng số lượng đăng ký tham gia sự kiện bằng cách tạo các địa chỉ email giả, thậm chí đánh cắp của người khác nhằm tạo ấn tượng với khách hàng tiềm năng
  • Tăng số lượng học sinh ảo tham gia vào các sự kiện như triển lãm giáo dục, bằng cách trả tiền cho nhà trường để tập hợp học sinh tham gia hoặc trả tiền cho học sinh ảo đến tham gia triển lãm, khiến các sự kiện này chỉ mang tính chất quảng cáo, không có chất lượng
  • Tính phí khách hàng cao hơn mức quy định, bằng cách chia các loại phí riêng là phí nộp đơn và phí xét tuyển (ví dụ, mức phí thu của học sinh là $200, trong khi phí nộp đơn nhà trường yêu cầu chỉ có $50)

Hầu hết các văn phòng đại diện không chọn lọc đối tác làm việc, họ sẵn sàng ký kết với bất kỳ đối tác nào miễn là mang lại cho họ lợi nhuận.

Tổng quan

  • Không có giấy phép kinh doanh (phi pháp)
  • Không có chứng chỉ được hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học (có giấy phép kinh doanh nhưng không được hoạt động như một đại diện tuyển sinh)
  • Nhân viên tư vấn không được cấp chứng chỉ hoặc có trình độ tiếng Anh (đây là quy định của Nhà nước)
  • Sử dụng hình ảnh quảng cáo sai mục đích. Ví dụ: một công ty, không hề có mối quan hệ nào với một trường đại diện, đăng quảng cáo học bổng của trường lên website và thông báo hỗ trợ tuyển sinh, như là đã có cam kết chính thức với trường vậy
  • Đưa thông tin không chính xác: đăng thông tin về trường lên website và/ hoặc Facebook mà không có sự đồng ý của trường
  • Thu 2 lần lợi nhuận (thu toàn bộ chi phí từ khách hàng + hoa hồng từ nhà trường/ tổ chức)
  • Lên Facebook của đối thủ cạnh tranh và đánh giá thấp họ (1 sao)
  • Mua “Thích/ Likes” trên facebook
  • Treo biển quảng cáo tại các trường Trung học phổ thông, chụp ảnh lại, sau đó tháo biển và cho ảnh lên website của công ty hoặc trang Facebook để lấy tiếng “được vinh danh bởi các tổ chức giáo dục”
  • Sử dụng tên của đối thủ cạnh tranh có tên tuổi trên Google Adwords, một hành vi vô cùng tệ hại, cho dù nó không phải bất hợp pháp nhưng rất phi đạo đức
  • Các chiêu thức làm cho clip quảng cáo trên Youtube trở nên phổ biến, được nhiều người biết đến như là chỉ ngồi xem đi xem lại để tăng số lượng lần xem, mà không biết rằng làm như thế là trái với quy định của Youtube (hãy tra google và tìm hiểu về Youtube và 301+ để biết thêm thông tin)

Những hành vi sai trái của văn phòng đại diện – Đã đến lúc họ cần thay đổi

Phụ huynh vẫn mong mỏi tìm được một công ty đáng tin cậy, tôn trọng khách hàng, không lừa gạt tiền và thời gian của họ.

Có nhiều lý do tại sao Chương trình giáo dục bậc cao tại Hoa Kỳ lại đang là vấn đề nóng, được nhiều người quan tâm và tại sao chính phủ Việt Nam lại nỗ lực để đưa mọi thứ vào trong khuôn khổ, với rất nhiều quy định mới, yêu cầu các công ty tư vấn giáo dục phải thực hiện, trong đó bao gồm quy định tất cả nhân viên tư vấn phải được tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu và có chứng chỉ tư vấn.

Theo như quyết định 05/2013/QD-TTg, được trình bởi bộ Giáo dục và đào tạo và chấp thuận bởi thủ tướng chính phủ vào tháng 1 năm 2013, các công ty tư vấn du học phải đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Mỗi chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty phải có ít nhất 500 triệu VND trong tài khoản ngân hàng
  • Người thành lập công ty và nhân viên phải có ít nhất một bằng đại học, thông thạo 1 ngoại ngữ và được trao chứng chỉ bởi bộ giáo dục và đào tạo

Thêm vào đó, thông tin của các trường đối tác ở nước ngoài phải được đăng rộng rãi và minh bạch. Phòng giáo dục ở các địa phương phải có trách nhiệm giám sát và thi hành quyết định này.

Tuy nhiên, để thay đổi cũng cần có thời gian, và các công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học cần nỗ lực hơn rất nhiều để luôn đặt quyền lợi của khách hàng, của các đơn vị đối tác lên trên lợi ích cá nhân. Và những quy định chặt chẽ của Bộ giáo dục bước đầu thể hiện những bước đi đúng hướng.

Kỳ vọng của khách hàng ngày một tăng

Có một điều đáng mừng là khách hàng, những người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam ngày một hiểu hơn về quyền lợi của mình, đồng thời kỳ vọng đối với người cung cấp dịch vụ cũng ngày một khắt khe hơn.

Phụ huynh và học sinh ngày càng có trình độ, hiểu biết rất rõ các chương trình học, điều đó cũng tạo nên những áp lực cần thiết để các công ty ngày càng hoàn thiện lên.

Cuối cùng thì, môi trường cạnh tranh và một mô hình quản lý tốt sẽ quyết định các yếu tố còn lại.

Đối với các đơn vị giáo dục vẫn đang dùng chiêu trò gian lận, họ nên nhớ rằng, thị trường đang ngày một khó tính hơn, điều đó đồng nghĩa với việc họ cần tìm cho mình 1 cách làm ăn chân chính để tồn tại, nếu không sẽ bị đào thải ra khỏi cuộc chơi.

Nghiên cứu kỹ thị trường

Tôi vẫn thường nói với các bạn đồng nghiệp làm việc tại các trường Giáo dục bậc cao rằng đừng nên tin vào những mục quảng cáo hoặc các đường link thường xuyên được gửi đến địa chỉ email của họ.

Có những công ty còn khôn khéo, biết cách lấy lòng tin của trường nước ngoài bằng việc nhấn mạnh rằng công ty của họ hoạt động dựa trên quy định về đạo đức kinh doanh NAFSA, của Hiệp hội giáo dục quốc tế NACAC, của tổ chức tư vấn tuyển sinh quốc gia.. Tuy nhiên, những thông tin này chỉ có trên giấy tờ, còn thực tế thì họ không tuân theo một tiêu chuẩn nào.

Có công ty thậm chí quảng cáo rằng chỉ những trường đại học lớn, được ghi danh trong khu vực mới đủ điều kiện tham gia triển lãm giáo dục của họ. Trên thực tế, những trường được xếp hạng quốc gia cũng được tham gia triển lãm, vì a) chính họ không phân biệt được; hoặc b) lợi nhuận được coi trọng hơn chữ tín – đó chỉ là những lời hứa suông, những chiêu quảng cáo câu khách.

Tôi cũng vẫn luôn khuyên các bạn đồng nghiệp nên thận trọng, cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi chọn văn phòng tuyển sinh. Việc nghiên cứu kỹ thị trường này giúp họ tiết kiệm thời gian, tiền bạc, và những bức xúc không cần thiết trong tương lai.

Vậy làm thế nào lựa chọn được một công ty tư vấn, 1 đại diện tuyển sinh tốt?

Ở Việt Nam cũng như ở Mỹ, đây quả thực là một thách thức lớn.

Các tổ chức lớn đã thành công trong việc phát triển mạng lưới tuyển sinh ở Việt Nam sẽ không dễ dàng gì giới thiệu đại lý của họ cho bạn, tuy nhiên họ rất cởi mở chia sẻ kinh nghiệm chọn lọc, đánh giá hiệu quả làm việc của các công ty, và cả số lượng học sinh mà công ty đó có thể gửi sang các trường đối tác ở nước ngoài mỗi năm.

Có những đồng nghiệp còn hỗ trợ nhiệt tình bằng cách giới thiệu trực tiếp những công ty làm ăn chân chính và khuyến cáo những công ty làm ăn không đứng đắn.

Thêm vào đó, ngày càng có nhiều những triển lãm giáo dục được tổ chức theo dạng “ông mai, bà mối”, chỉ đưa học sinh tới cho các đại diện trường tham gia. Việc lựa chọn cho đúng các đại diện tuyển sinh hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thông tin các đại diện của trường có và các quy định khác nhau của từng trường trong việc lựa chọn các đại diện đó.

Và khi đã ký thỏa thuận hợp tác thì nên giữ mối liên lạc thường xuyên với đại diện tuyển sinh.

Những cơ quan chứng nhận độc lập như Hội đồng tuyển dụng quốc tế Mỹ hoặc AIRC có thể hỗ trợ, tuy nhiên, cũng có những nhược điểm, ví dụ như: AIRC không đủ thẩm quyền để quản lý những đại diện tuyển sinh đã có đăng ký, và tất cả 72 đại diện tuyển sinh với các chi nhánh ở khắp 300 tỉnh thành, 90 quốc gia toàn thế giới được quản lý chỉ bởi 4 nhân viên.

Vì vậy, trong khi AIRC rất có tiếng trong việc tuyển sinh sinh viên quốc tế bởi dịch vụ uy tín, chất lượng, việc kiểm soát chất lượng các đối tác tuyển sinh không thực sự hiệu quả.

Các trường tại Mỹ có thể nhờ văn phòng Dịch vụ thương mại Mỹ tại quốc gia muốn tuyển sinh kiểm tra thông tin (nhưng cũng cần lưu ý là hầu hết những thông tin họ cung cấp không phải là nguồn tin chính thống).

Một nguồn thông tin hữu ích khác là từ các tổ chức như NAFSA và NACAC, bao gồm cả “Những hướng dẫn cần thiết khi làm việc cùng đại diện tuyển sinh ở nước ngoài”, “Lựa chọn đối tác tuyển sinh: cẩm nang cho các trường trung học, cao đẳng và đại học”, bao gồm các bước quan trọng mà hiệp hội hay các trường cần lưu ý. Thông tin được đăng tải trên website của NACAC.

Hướng đến tương lai

Trong những năm gần đây, chính phủ Việt Nam, thông qua bộ Giáo dục và đào tạo, đã có những bước tiến đáng kể trong việc hạn chế những tổ chức giáo dục làm việc không có đạo đức, các trường không có xếp hạng, không uy tín ở nước ngoài, việc làm giả giấy tờ, hồ sơ.

Về dài hạn, thách thức gặp phải là việc quy chuẩn hóa, hợp pháp hóa các quy định mới này. Còn trong ngắn hạn, những quy định chặt chẽ này của bộ giáo dục và đào tạo tuy chậm nhưng mà chắc, tạo nên một môi trường làm việc minh bạch, hiệu quả hơn.

* Tiến sỹ Mark Ashwill là giám đốc điều hành của Capstone Việt Nam, một công ty phát triển nguồn nhân lực, cung cấp các giải pháp giáo dục và đào tạo với 2 văn phòng tại Hà Nội và Hồ Chí Minh. Tiến sỹ Ashwill từng là giám đốc của viện giáo dục quốc tế IIE ở Việt Nam từ 2005-09, trong cùng khoảng thời gian IIE Việt Nam quản lý EducationUSA. Capstone Việt Nam cam kết chỉ làm việc với các trường đại học bậc cao, cũng như các trường đối tác uy tín, có xếp hạng trong khu vực. Có thể tìm hiểu thêm thông tin về tiến sỹ Ashwill qua trang blog: “Nhà sư phạm quốc tế ở Việt Nam – An International Educator in Vietnam”.

 

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s