“Yêu nước là tự hào về những giá trị tốt đẹp và khao khát sửa chữa những yếu kém của nước mình; yêu nước không ngăn cản việc con người ta thừa nhận lòng yêu nước của người dân nước khác, với những giá trị tốt đẹp của riêng họ. Tuy nhiên, dân tộc chủ nghĩa luôn thổi phồng những giá trị tốt đẹp và phủ nhận những yếu kém của nước họ, đồng thời khinh thường những giá trị tốt đẹp của nước khác. Dân tộc chủ nghĩa muốn, và luôn tự cho nước mình là “vĩ đại nhất”, nhưng một đất nước không cần phải vĩ đại, chỉ cần bản chất nó tốt là được rồi” – Sydney J Harris, nhà báo Mỹ.
Ngày nay, người ta nói rất nhiều về toàn cầu hóa và giá trị của cái gọi là “năng lực tầm quốc tế”. Về việc này, tôi muốn bổ sung thêm một khía cạnh khác vô cùng quan trọng nhưng luôn bị bỏ qua: đó là cách tư duy vượt ra ngoài kĩ năng và hiểu biết, cách tư duy giúp con người ta thoát khỏi suy nghĩ dân tộc chủ nghĩa và phát triển năng lực tầm quốc tế, qua đó trở thành công dân toàn cầu.
Tự hào là người Mỹ?
Tôi từng dạy một khóa học đại cương cho sinh viên một trường đại học công lập lớn tại Mỹ. Tôi mở đầu bài giảng về “Vai trò của Mỹ trên thế giới”, một trong những chủ đề chính của khóa học, bằng cách đưa lên máy chiếu hình ảnh một nhãn dán ô tô được sử dụng khá phổ biến ở Mỹ, trên đó in dòng chữ “Tự hào là một người Mỹ”.
Sau khi cho các sinh viên vài giây để suy nghĩ, tôi hỏi họ có tự hào là người Mỹ không; và nếu có thì họ tự hào về điều gì và tại sao. Phần đông sinh viên trả lời có, đồng thời dùng những ví dụ để nhấn mạnh Mỹ là quốc gia “vĩ đại nhất thế giới”, “nhất của nhất”, “siêu cường”, với “vô vàn cơ hội phát triển”.
Xuất phát từ văn hóa đại chúng kết hợp với suy nghĩ hằn sâu trong tâm khảm người Mỹ về sự vượt trội so với các nền văn hóa khác, những câu trả lời nói trên là ví dụ điển hình của tư duy dân tộc chủ nghĩa. Những câu trả lời ấy được xem như điều hiển nhiên không có gì phải phản đối, và dần dần trở thành chân lý vĩnh cửu.
Mùa tranh cử Tổng thống năm nay đã cho thấy quá rõ một sự thật rằng, quan điểm của đa số về việc Mỹ là một đất nước được hưởng đặc ân của Chúa trời và có trách nhiệm phải truyền bá tư tưởng chính trị và kinh tế ra khắp nhân loại, hay nói cách khác là phiên bản toàn cầu của Vận mệnh Hiển nhiên, luôn hằn sâu trong tâm khảm chính giới Mỹ.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc cũng muôn hình vạn trạng, trong đó có cả những đồng nghiệp của tôi, những người tự gọi mình là các nhà giáo quốc tế. Dân tộc chủ nghĩa là một tư duy khép kín xuất hiện ở con người không phân biệt giới tính, sắc tộc, giai cấp, và thiên hướng chính trị. Có thể nói, dân tộc chủ nghĩa là một dạng keo kết dính người Mỹ ở mọi tầng lớp xã hội.
Yêu nước và dân tộc chủ nghĩa: những hệ lụy đối với sự phát triển của công dân toàn cầu
Sự khác biệt giữa yêu nước và dân tộc chủ nghĩa có những hệ lụy quan trọng đối với sự phát triển của công dân toàn cầu. Lòng yêu nước được định nghĩa một cách đơn giản là “tình yêu hay mong muốn cống hiến cho đất nước”. Trong khi đó, dân tộc chủ nghĩa được định nghĩa là lòng trung thành và mong muốn cống hiến cho đất nước, đặc biệt là tư duy đặt dân tộc mình lên trên mọi dân tộc khác và nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu trong việc đề cao văn hóa và lợi ích của đất nước mình lên trên văn hóa và lợi ích của các nước hay các tổ chức xuyên quốc gia khác.
Phần in nghiêng trong đoạn trên đây chính là điểm khác biệt giữa lòng yêu nước với phiên bản ồn ào và hiếu chiến hơn của nó – dân tộc chủ nghĩa.
Một chi tiết được ngầm hiểu trong tư duy đặt dân tộc mình trên các dân tộc khác là suy nghĩ rằng “người khác cũng muốn được như mình”, dẫn tới mong muốn biến các dân tộc khác trở thành những phiên bản tương tự mình, và có thể sử dụng vũ lực nếu cần để thực hiện mong muốn ấy.
Phiên bản dân tộc chủ nghĩa theo kiểu người truyền giáo này là một trong những thành tố chính trong chủ nghĩa biệt lệ của Mỹ, được tác giả Andrew Bacevich mô tả trong cuốn sách Hạn chế của Quyền lực: Ngày tàn của Chủ nghĩa Biệt lệ Mỹ như sau: “Kẻ thù của sự khiêm tốn là sự trịch thượng, từ đó dẫn đến niềm tin vững chãi rằng các giá trị và tư tưởng của Mỹ đều mang tính toàn cầu, và rằng nước Mỹ tồn tại là để thực hiện những nghĩa vụ do Chúa trời giao phó, niềm tin ấy được thể hiện qua quyết tâm muốn tái xây dựng thế giới theo hình mẫu của Mỹ.”
Trong cuốn sách Nước Mỹ Đúng hay Sai, tác giả Anatol Lieven nhấn mạnh sự cần thiết của việc người Mỹ xem xét lại tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của mình. Ông mô tả đó là “khả năng bước ra khỏi văn hóa đại chúng của Mỹ để nhìn lại đất nước mình một cách khách quan, chứ không phải một quốc gia biệt lệ trên đỉnh nhân loại”, không tự nhìn mình với tư cách “những người được chọn, những người xuất chúng, hay một Israel của thế giới đương đại”. Như Herman Melville đã nói, họ phải coi nước Mỹ là “một quốc gia bình thường như mọi quốc gia khác”.
Nói trắng ra, thì những người theo chủ nghĩa dân tộc một cách thụ động đơn giản chỉ tin vào sự vượt trội của văn hóa nước Mỹ so với các nền văn hóa khác, trong khi những người theo chủ nghĩa dân tộc theo kiểu truyền giáo thì tìm cách thể hiện niềm tin của họ bằng hành động bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ, sao cho những người dân nước khác có thể “thấy được ánh sáng”, “trở thành một phần của chúng ta”, và được hưởng nhiều lợi ích từ việc Mỹ hóa và một thế giới quan với Mỹ đóng vai trò trung tâm. Nếu cần, các động thái quân sự sẽ được sử dụng để đạt được mục đích này.
Còn những người yêu nước thì luôn “đặt đất nước lên trên chính bản thân mình; lòng yêu nước không phải chỉ là những khoảnh khắc thể hiện cảm xúc điên cuồng nhưng ngắn ngủi, mà là sự cống hiến thầm lặng nhưng đều đặn trong suốt cuộc đời”, như Adlai Stevenson đã từng nói.
Từ dân tộc (chủ nghĩa) tới công dân toàn cầu
Khái niệm công dân toàn cầu có ý nghĩa quốc tế hóa khái niệm cổ điển về công dân, trong đó bao gồm các quyền lợi và trách nhiệm nhất định khi một người tuyên bố trung thành với một nhà nước có chủ quyền. Thay vì chỉ tuyên bố trung thành với một quốc gia nhất định, công dân toàn cầu sở hữu một tầm vóc trí tuệ, một “la bàn đạo đức”, một tư duy kết nối vươn rộng ra cả nhân loại.
Trung thành và cống hiến cho nước nhà không tước đi quyền lợi và nghĩa vụ của các công dân toàn cầu với tư cách là thành viên của một cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh mới này, “lợi ích quốc gia” không còn là tối thượng, mà phải được đặt lên bàn cân cùng với lợi ích của người dân các nước khác.
Công dân toàn cầu sẽ không thể được tạo ra nếu trước đó ta không chỉ rõ những điểm sai trong một số tư duy văn hóa đại chúng nhất định, chứng minh rằng những điều tưởng chừng “hiển nhiên” hóa ra lại vô lý, và những “chân lý vĩnh cửu” thực chất là giả dối.
Cảm nhận về đất nước mình không đơn thuần chỉ là vấn đề lý trí mà còn liên quan đến cả tình cảm và tâm hồn. Do đó, bất kì hình thức giáo dục công dân toàn cầu nào cũng cần phải cẩn trọng trong cách tiếp cận, khi nó thách thức tính hợp lý của những niềm tin và suy nghĩ đã tồn tại lâu năm. Bởi mục đích là tạo ra những công dân toàn cầu từ những công dân thông thường, là trang bị cho học viên những hiểu biết, kinh nghiệm, và công cụ phân tích để họ mở rộng tư tưởng và tầm vóc trí tuệ, do đó thế giới quan của học viên sẽ phải được định hướng và sàng lọc lại.
Mục đích của giáo dục công dân toàn cầu, như những gì tôi hình dung, gồm 2 ý chính:
- Giúp người học giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc về cảm xúc và lý trí của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa để tìm thấy sự tự do trong việc trở thành công dân toàn cầu. Giá trị và hành động của công dân toàn cầu thể hiện sự khiêm tốn, cởi mở, vị tha, và cảm thông, và công dân toàn cầu luôn có được niềm vui từ lối sống hòa thuận giữa người vời người, hoặc giữa con người với thiên nhiên.
- Giúp người học tránh được việc trở thành tù nhân của một trại giam tinh thần mà họ không hề nhận ra, hay như lời Rosa Luxemburg đã nói, có bước đi thì mới biết chân đang mang xích.
Về Orwell, dân tộc chủ nghĩa, và những điều không được nói tới ở các cuộc trò chuyện “có học”
Nhiều năm qua tôi đã nhận ra một điều rằng đa số đồng nghiệp của tôi ở các trường đại học không muốn thảo luận về vấn đề dân tộc chủ nghĩa; sự im lặng là câu trả lời của họ, và điều đó cũng cho thấy khả năng tiên đoán của George Orwell qua những gì ông viết ở phần lời nói đầu trong phiên bản đầu tiên của tác phẩm Animal Farm: “Những ý kiến trái chiều có thể được giữ kín, những sự thật bất lợi có thể không bao giờ ra được ánh sáng, mà chẳng cần phải áp đặt một lệnh cấm chính thức nào… Ở bất cứ lúc nào cũng sẽ tồn tại một tư tưởng chính thống, một hệ thống các quan điểm được cho là hiển nhiên và những ai có tư duy đúng đắn sẽ chấp nhận một cách mặc định.
Anh sẽ không bị cấm không được nói như thế này hay như thế kia, nhưng nếu nói ra thì “không phù hợp”, cũng như trong thời đại Victoria coi việc nhắc đến quần dài trước mặt phụ nữ là điều “không phù hợp”.
Bất cứ ai đi ngược lại với tư tưởng chính thống đều bị “bịt miệng” với hiệu quả bất ngờ. Một quan điểm trái chiều không bao giờ được lắng nghe một cách công bằng, dù là trên các phương tiện thông tin đại chúng hay các tạp chí nghiên cứu của giới tri thức.”
Dân tộc chủ nghĩa ở Mỹ cũng là một tư tưởng chính thống, bị nhiều người Mỹ hiểu nhầm và gán sai cho cái mác yêu nước. Bàn luận về dân tộc chủ nghĩa cũng đồng nghĩa với việc bị coi là một kẻ ngoại đạo. Đề cập tới chủ đề dân tộc chủ nghĩa trong một cuộc trò chuyện “có học”, hay nói cách khác là khi thảo luận với một nhóm tự cho mình là tri thức, đồng nghĩa với nguy cơ bị gán cho cái mác không yêu nước, hay thậm chí phản quốc.
Sự im lặng thì muôn hình vạn trạng nhưng đều đi đến một kết quả duy nhất – các vấn đề quan trọng đáng thảo luận thì luôn chìm trong bóng tối, trừ một nhóm nhỏ những cá nhân thực sự quan tâm.
Dân tộc chủ nghĩa và ngành giáo dục quốc tế tại Mỹ
Cho đến khi chúng ta giải quyết được vấn đề dân tộc chủ nghĩa và nhìn nhận một cách kĩ lưỡng và sắc bén về những gì giới trẻ Mỹ đang được dạy về đất nước mình và vị thế trên trường quốc tế (ví dụ như “Mỹ là số 1”, “Mỹ là quốc gia vĩ đại nhất thế giới”, “chúng ta nói gì thì mọi thứ sẽ là như thế” – trích lời cựu Tổng thống George HW Bush; “chúng ta giờ đây là một đế chế, khi chúng ta hành động, chúng ta thiết lập một thực tế riêng” – trích lời Karl Rove), hay vai trò của giáo dục quốc tế trong việc tái định hướng thế giới quan cho giới trẻ và ý nghĩa thực sự của việc trở thành công dân toàn cầu, thì chúng ta vẫn chưa làm tròn trách nhiệm của những nhà giáo.
Như người ta vẫn thường nói, bước đầu tiên trong giải quyết một vấn đề là xác định sự tồn tại của vấn đề đó, và sau đó là tìm ra những phương hướng sáng tạo và hiệu quả để giải quyết. Đây không phải là một cuộc tranh luận mang tính học thuật, bởi đối với nhiều người đang sống tại Mỹ và trên khắp thế giới, đây thực sự là một vấn đề quyết định sự sống và cái chết, hay ở mức độ thấp hơn là chất lượng cuộc sống của họ.
Chừng nào chúng ta đủ can đảm tìm cách mở mang đầu óc của giới trẻ Mỹ, công dân của “kẻ gieo rắc bạo lực lớn nhất trên thế giới” – như lời Martin Luther King đã nói, và đáng buồn là lời của ông đến giờ vẫn đúng, công dân của một đất nước mà cộng đồng quốc tế vẫn coi là mối hiểm họa lớn nhất với hòa bình thế giới, tôi lo rằng chúng ta vẫn sẽ tiếp tục hiểu sai vấn đề.
Chính tư duy dân tộc chủ nghĩa đã phần nào châm ngòi cho chính sách gây bất ổn, xâm lược và chiếm đóng trực tiếp hoặc thông qua chính quyền ủy nhiệm ở hàng loạt các quốc gia như Afghanistan, Iraq, Libya và Syria.
Lãng quên trong hàng loạt những lý do cho thấy sự cần thiết của giáo dục quốc tế như cải thiện tính cạnh tranh của kinh tế Mỹ, bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ, hay tăng cường ngoại giao nhân dân, là sự cần thiết của việc sinh viên (cũng như nhiều tầng lớp xã hội khác) cần được đào tạo trở thành các công dân toàn cầu. Điều này đối với tôi là một vấn đề quá lớn để có thể nhắm mắt cho qua trong ngành giáo dục: nó quá hiển nhiên, nó cần sự quan tâm của chúng ta, nhưng lại đang bị bỏ mặc hoàn toàn.
Giáo dục công dân toàn cầu, nếu được theo đuổi tới cùng, sẽ thay đổi ngành giáo dục quốc tế cả về lý thuyết cũng như thực hành, nhất là tại Mỹ, và đóng góp phần nhỏ của mình trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, hợp lẽ, và công bằng hơn.
Giáo sư Mark Ashwill là giám đốc điều hành Capstone Việt Nam, một công ty tư vấn giáo dục cung cấp dịch vụ toàn diện, có văn phòng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Để tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề được nhắc tới trong bài viết trong bối cảnh đa văn hóa, hãy tìm đọc chương sách với nhan đề “Đào tạo các Công dân có Năng lực Toàn cầu: Những trường hợp đối lập tại Mỹ và Việt Nam”, do Mark Ashwill và Dương Thị Hoàng Anh đồng tác giả, chương sách này nằm trong cuốn Sổ tay SAGE về Năng lực tầm Quốc tế (2009), do Darla K Deardoff làm chủ biên. Ông Ashwill viết blog trên trang Một Nhà giáo Quốc tế tại Việt Nam (An International Educator in Vietnam).
Phiên bản tiếng Anh: US nationalism – The elephant in the room (University World News, 18.3.16)